Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cuộc thi thiết kế cột mốc Km0 tại Hồ Hoàn Kiếm: Giải “bài toán” thêm vào hay dựa cái đã có...

Thứ Sáu 05/06/2020 | 11:21 GMT+7

VHO- Lại một lần nữa cuộc thi thiết kế cột mốc Km0 được mở ra và ở đó cơ quan tổ chức cũng như nhiều giới nghề đặt ra biết bao kỳ vọng, rằng nó sẽ trở thành như thế này, thế kia, trong khi thời gian “gửi bài” lại rất ngắn. Vì thế khó có thể nói trước điều gì…

 Sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ là một trong 3 vị trí dựng cột mốc Km0 được BTC đề xuất

UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam phát động cuộc thi thiết kế cột mốc Km0 tại Hồ Hoàn Kiếm. Thuộc Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ, cuộc thi nhằm tìm kiếm giải pháp khả thi để triển khai xây dựng và đưa công trình cột mốc Km0 trở thành một biểu tượng văn hóa của Thủ đô, một điểm đến du lịch hấp dẫn.

Chú trọng tính biểu tượng

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho hay, quận đang thực hiện Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh Hồ Hoàn Kiếm. Trong đó, việc triển khai thiết kế, xây dựng cột mốc Km0 là một hạng mục quan trọng, góp phần hoàn chỉnh không gian công cộng khu vực hồ, xứng đáng với quy mô, tầm vóc và giá trị của di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn - di tích quốc gia đặc biệt.

“Chúng tôi mong muốn nhận được những phương án, giải pháp mới khả thi, phù hợp, góp phần làm đẹp khu vực Hồ Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung...”, ông Long nhấn mạnh. Cuộc thi dành cho các đơn vị tư vấn, thiết kế, các trường và viện nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật và kiến trúc, mọi công dân Việt Nam là nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư, sinh viên thuộc các chuyên ngành văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc... Ba vị trí xây dựng cột mốc Km0 được đề xuất: Khu vực ngã tư phố Đinh Tiên Hoàng – Hàng Khay, vị trí đồng hồ hoa Thụy Sĩ hiện nay; Phía bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, đối diện tượng đài Lý Thái Tổ; Sân trước tượng đài vua Lý Thái Tổ. Thiết kế phải thể hiện được chỉ dấu địa lý, có tính biểu tượng cao, vừa hiện đại, vừa thể hiện bản sắc văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Từ năm 2018, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam nghiên cứu phương án xây dựng cột mốc Km0. Đến tháng 5.2020, UBND quận Hoàn Kiếm quyết định tổ chức cuộc thi mở rộng nhằm tìm giải pháp thiết kế tốt nhất. Công trình cột mốc Km0 được nhận định sẽ là một tác phẩm nghệ thuật công cộng, phải hài hòa với không gian cảnh quan Hồ Hoàn Kiếm, dễ tiếp cận. Công trình cũng được đặt yêu cầu cần sử dụng chất liệu xây dựng bền vững và dễ thi công. BTC không quy định về hình thức cũng như nội dung các thành phần chức năng của công trình, khuyến khích ý tưởng sáng tạo độc đáo, mang tính thời đại và dân tộc để tạo nên một điểm nhấn nghệ thuật của không gian Hồ Hoàn Kiếm. “Cột mốc Km0 với quy mô không lớn nhưng giá trị về mặt lịch sử, tính biểu tượng rất quan trọng. Tác phẩm phải có kết cấu bền vững, mang ý nghĩa về mặt thời gian, nói lên được giá trị lịch sử, văn hóa của Hà Nội nhưng không gây xung đột với cảnh quan xung quanh”, ông Long cho biết.

 Cuộc thi Cột mốc Km0 tại Hồ Hoàn Kiếm một lần nữa đặt ra "bài toán" là thêm vào những công trình mới hay dựa vào những di tích hiện có. Trong ảnh: Tháp Hòa Phong có là gợi ý cho những người tham gia cuộc thi này? Ảnh: TRẦN HUẤN

Các chuyên gia lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc đều nhấn mạnh tiêu chí đáp ứng tính biểu tượng đặc biệt, không chỉ của công trình cột mốc Km0 mà còn phải thể hiện đặc trưng văn hóa của Hà Nội, khơi gợi cảm xúc của người dân Thủ đô và du khách qua các thiết kế. TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam kỳ vọng sẽ có nhiều ý tưởng kiến trúc xuất sắc để cống hiến cho Hồ Gươm một công trình cột mốc Km0 đẹp. GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, các ý tưởng kiến trúc đều sẽ thể hiện tình yêu với Hà Nội, là những điều tốt đẹp dành cho Hà Nội. “Bất kỳ một tượng đài, một công trình nghệ thuật nào đặt trong một không gian nhất định đều có liên quan tới kiến trúc. Tuy nhiên, nếu công trình đó có sự bao hàm những ý nghĩa về văn hóa, lịch sử sẽ có giá trị hơn. Vì vậy, BTC mong muốn, cột mốc Km0 sẽ bao hàm được các những yếu tố này”.

Thông điệp cho thế hệ sau

BTC cuộc thi nhận các thiết kế đến hết ngày 6.7 tới tại Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam (40 Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Dự kiến, triển lãm và trao giải cuộc thi thiết kế công trình cột mốc Km0 sẽ tổ chức vào ngày 15.7. Giải thưởng của cuộc thi gồm 1 giải A trị giá 100 triệu đồng; 1 giải Nhì 80 triệu đồng; 1 giải Ba 50 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long lưu ý, các công trình kiến trúc, cảnh quan cây xanh mặt nước tại Hồ Hoàn Kiếm đã tồn tại hàng trăm năm, trong đó có nhiều công trình được cập nhật và bổ sung vào khu vực này. Tuy nhiên, khi tiến hành cải tạo hay đưa vào bất kỳ một hạng mục nào đều phải tuân thủ các nguyên tắc. Đối với cuộc thi này, yếu tố cần được những thiết kế dự thi chú trọng là những tính toán sao cho việc thêm công trình mới sẽ không phá vỡ cấu trúc các công trình mang giá trị lịch sử đã có từ trước.

 Các vị trí nghiên cứu đặt cột mốc Km0

TS.KTS Emmanuel Cerise, Viện PRX vùng Thủ đô Paris cho rằng, vấn đề giảm tải cho Hồ Hoàn Kiếm hay thêm các công trình vào khu vực này chỉ mang tính chất tương đối. Trên thực tế không phải bây giờ mới nói rằng Hồ Hoàn Kiếm có quá nhiều thứ rồi thì chỉ có bỏ đi chứ không thêm vào. KTS nước ngoài này đặt vấn đề, tại sao lại không thêm vào những công trình chất lượng. Ông cho rằng công trình cột mốc Km0 sẽ tạo ra những giá trị mới cho Hồ Hoàn Kiếm và cho Hà Nội. Đó là thông điệp dành cho thế hệ sau này. Mặt khác, khẳng định đây là công trình mang tính văn hóa, KTS Emmanuel Cerise dẫn chứng từ công trình Km0 tại Paris (Pháp) được xây dựng năm 1924, một giai đoạn bùng nổ của xe hơi thì người ta mới làm, đặt ra Km0 cho đường bộ. Mục đích của công trình Km0 ở Hồ Hoàn Kiếm là sau này thu hút du khách đến chụp ảnh, cho người dân biết đó là biểu tượng có tính văn hóa cao của Hà Nội. KTS Emmanuel Cerise cũng mở ra ý tưởng về việc xây dựng cột mốc Km0 như một trang sử mới của Hà Nội: “Hà Nội là thành phố có lịch sử ngàn năm. Tuy nhiên, khi thiết kế Cột mốc Km0 không nhất thiết phải dựa trên lịch sử ngàn năm đó. Khái niệm Km0 không phải là khái niệm bắt nguồn từ ngàn năm ở các đô thị trên thế giới. Nó chỉ bắt nguồn khi bắt đầu giao thông đường bộ, sử dụng xe hơi phổ biến. Vì vậy cứ coi như dự án này là một điểm khởi đầu của một giai đoạn lịch sử mới của Hà Nội, của lịch sử 1000 năm tiếp theo...”, KTS Emmanuel Cerise chia sẻ.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cũng bày tỏ mong muốn công trình cột mốc Km0 sau này có thể trở thành di sản khi đủ 100 năm. Đồng thời, đây sẽ là một công trình xứng tầm với bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống của Thủ đô Hà Nội. “Không gian Hồ Gươm là không gian văn hóa sáng tạo, và đó cũng là nơi mang lại cho chúng ta nhiều ý tưởng. Đây cũng là một khía cạnh đưa Thủ đô trở thành một Thành phố sáng tạo”, ông nói.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, Km0 là một địa điểm văn hóa, không chỉ là cơ sở để thiết lập quy ước về khoảng cách đường bộ của thành phố, quốc gia mà còn là một điểm đến đặc biệt có tính biểu tượng cao. Theo KTS Trần Huy Ánh, vốn có nhiều tranh luận rằng Hồ Hoàn Kiếm có gì “nhổ” bớt thì tốt, còn thêm vào thì rất phản cảm. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn luôn thay đổi và cột mốc Km0 là “món nợ” của giới kiến trúc, quy hoạch trong quá trình chuyển đổi, không thể không làm. Bởi Hồ Gươm là không gian luôn thay đổi, cái cốt lõi nhất thiết phải giữ lại, nhưng nếu trong quá trình đưa cái gì mới vào thì có thể nhổ những gì xấu đi. Như quán cà phê có thể bỏ đi được. Trong sự kiến tạo đòi hỏi phải thông minh hơn, lựa chọn tốt hơn, loại bỏ những cái trong quá khứ đã nhầm lẫn để thay vào đó những công trình có giá trị về tinh thần và tính sáng tạo.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, trong nhiều năm qua, khi có bất cứ một điểm đến hay công trình nào xuất hiện xung quanh Hồ Hoàn Kiếm thì đều được dư luận, người Hà Nội quan tâm. Thời gian chỉ một tháng dành cho thiết kế công trình cột mốc Km0 là không dài, thậm chí trong lộ trình ngắn đó lại đòi hỏi ý tưởng thiết kế, sáng tạo của các nhà điêu khắc, KTS là rất khó. “Tôi cho rằng từ ý tưởng đến hình tượng và biểu tượng là 3 nấc quan trọng, quyết định số phận của biểu tượng Km0 tại Hồ Gươm. Ba vị trí được lựa chọn chắc đã được cân nhắc kỹ, còn lại là quyết định và sáng tạo của các KTS khi chọn một vị trí thích hợp để đưa ra ý tưởng thiết kế. Hy vọng rằng đội ngũ tham gia cuộc thi sẽ đông đảo, nhiệt tình để mang đến thành công cho cuộc thi...”, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ. n

 TS.KTS Emmanuel Cerise, Viện PRX vùng Thủ đô Paris cho rằng, vấn đề giảm tải cho Hồ Hoàn Kiếm hay thêm các công trình vào khu vực này chỉ mang tính chất tương đối. Trên thực tế không phải bây giờ mới nói rằng Hồ Hoàn Kiếm có quá nhiều thứ rồi thì chỉ có bỏ đi chứ không thêm vào. KTS nước ngoài này đặt vấn đề, tại sao lại không thêm vào những công trình chất lượng. Ông cho rằng công trình cột mốc Km0 sẽ tạo ra những giá trị mới cho Hồ Hoàn Kiếm và cho Hà Nội. Đó là thông điệp dành cho thế hệ sau này.

 BẢO ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top