Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cần sự đồng cảm khi người già muốn tái hôn

Thứ Sáu 05/06/2020 | 11:11 GMT+7

VHO- Khi lớn khôn con cái có cuộc sống gia đình riêng, rất nhiều người già ở cảnh “góa bụa” cảm thấy cô đơn và muốn tái hôn...

Niềm vui muộn mằn của người già rất cần sự thông cảm, chia sẻ từ con cái

Đây là nhu cầu chính đáng, thế nhưng dư luận xã hội còn nhiều định kiến, con cái không đồng tình nên nhiều người chấp nhận sống một mình, lẻ loi…

Trăm ngàn lý do

Ông Hòa là một sĩ quan quân đội nghỉ hưu, vợ mất khi ông ngoài 40 tuổi. Ông ở vậy 27 năm nuôi hai con khôn lớn. Bây giờ hai con đều đã trưởng thành, có nghề nghiệp và có con cái ra ở riêng. Đồng lương sĩ quan quân đội nghỉ hưu khá cao so với nhu cầu của một người già, lại thêm tiền tiết kiệm chắt chiu nên cuộc sống của ông Hòa khá là dư dả. Những tháng ngày làm việc chỉ một lòng lo lắng chu tất trách nhiệm với con cái, giờ nghỉ hưu một mình ở căn nhà 4 tầng ông Hòa thấy trống trải cô đơn. Ông tham gia Hội Người cao tuổi ở địa phương và gặp bà Minh cũng có hoàn cảnh như ông, chồng mất, con cái cũng đã trưởng thành. Sau một thời gian tìm hiểu, ông bà có mong muốn chung sống để chia sẻ buồn vui lúc tuổi già. Các con của bà Minh thì không có ý kiến gì, nhưng các con của ông Hòa thì lại phản đối quyết liệt, thậm chí ra “tối hậu thư” nếu ông không chấm dứt mối quan hệ với bà Minh thì sẽ không còn tình cảm bố con, ông cháu nữa… Ông Hòa không hiểu sao các con lại có thái độ như vậy nhưng vì thương con, thương cháu và không muốn bị điều tiếng xã hội khi cứ lấy vợ mà các con không đồng ý. Sau này ông mới biết, các con ông sợ bà Minh về sống chung sẽ phải chia tài sản, sợ số tiền tiết kiệm của bố sẽ rơi vào tay bà Minh... Ông chia sẻ: “Nếu biết như thế thì tôi sẽ không đăng ký kết hôn, thậm chí ủy quyền nhà cửa, sổ tiết kiệm cho các con khi tôi có mệnh hệ gì. Tiếc rằng, bà Minh đã vào TP.HCM sống với con”.

Quả thực là câu chuyện tái hôn của người già thật không đơn giản, nhất là khi vấp phải rào cản từ chính những suy nghĩ đầy ích kỷ của con cái. Không phải vì vật chất thì cũng có thể những người thân của họ sẽ lại không đồng ý khi thấy việc tái hôn của bố hoặc mẹ làm vong linh người đã khuất buồn tủi khi chồng hay vợ “đi thêm bước nữa”. Bà Nga (ở Từ Sơn, Bắc Ninh) tâm sự: “Chồng mất, tôi lủi thủi nuôi con 15 năm qua. Đến khi con cái trưởng thành ra ở riêng mình tôi ngày ngày cô đơn, chẳng có ai chia sẻ. Rồi ông Tùng, góa vợ hơn tôi 2 tuổi về sống với các con ở cạnh nhà. Có bạn cùng cảnh ngộ hàn huyên tôi thấy vui vẻ hơn. Thế nhưng, khi chúng tôi đề cập ý muốn gắn bó tuổi già với nhau, con cái của ông Tùng ra sức ngăn cản. Có đứa còn mỉa mai chúng tôi mà lấy nhau thì sợ thiên hạ chê cười…”.

Hãy nhìn về một hướng

Ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có nhu cầu hạnh phúc, đặc biệt là tuổi già lại cần hơn sự chia sẻ, an ủi hay những tâm sự thường ngày mà con cháu không thể làm được vì khoảng cách thế hệ, tuổi tác, thời gian... Vì vậy, người già cô đơn rất cần có một người bạn khác giới cùng thế hệ để có thể chia sẻ tình cảm, chăm lo cho nhau lúc trái nắng trở trời. Mong ước giản đơn vậy nhưng thực tế là con cháu không hiểu nên đã vô tình ngăn cấm đẩy cha mẹ mình xuống đáy của sự cô đơn. Trở lại câu chuyện bà Nga tái hôn với ông Tùng, bà vấp phải một thái độ thiếu tôn trọng từ những người con của ông. “Tôi không khỏi chạnh lòng mỗi khi gia đình sum họp, bọn chúng chỉ nhăm nhăm gắp miếng ngon cho bố còn lờ đi sự có mặt của tôi. Trong khi tôi cũng là người già, người lớn tuổi cũng rất cần sự tôn trọng. Chúng vui vẻ bàn với tôi làm sao để tổ chức sinh nhật cho chồng tôi một cách thật ấn tượng, nhưng tới ngày sinh nhật của tôi, chúng lờ đi giả bộ như không biết... Tôi biết là chúng không phải là con mình nhưng sống trong cùng một gia đình, một mái nhà thì việc quan tâm tới nhau là điều cần thiết, nó thể hiện trình độ văn hóa và ứng xử của mỗi một con người”, bà Nga chia sẻ.

Tình yêu không phân biệt tuổi tác, ai cũng nói được điều này nhưng không phải ai cũng hiểu đến tận cùng của cụm từ này. Với những người ở tuổi xế chiều, khi họ đã ngưng bớt lo toan để thụ hưởng cuộc sống thì tâm lý cô đơn bắt đầu xuất hiện. Không biết có bao nhiêu lý do để họ tìm đến việc tái hôn trong những ngày cuối đời và cũng không biết có bao nhiêu cách nhìn nhận về vấn đề này. Hơn thế, để con cái, gia đình và xã hội chấp nhận việc tái hôn đối với những người già đã khó, nhưng khi đã đến được với nhau, thì họ cũng phải đối diện với chính bản thân mình khi mà hai người già về sống với nhau, họ sẽ phải điều chỉnh từ tính cách cho tới lối sống để có được sự phù hợp.

Nhìn nhận về việc tái hôn của người già, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Người già có tâm trạng cô đơn, hụt hẫng một phần cũng là do con cái cư xử thiếu quan tâm và thiếu tâm lý đối với cha mẹ. Ấy vậy mà khi cha mẹ muốn tìm bạn thì con cái lại phản đối, ngăn cản. Nhu cầu sống có đôi, có bạn ở tuổi già là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản: Tìm được đối tượng thích hợp là chuyện khó, thuyết phục được con cái chấp nhận vẫn khó, xây dựng cuộc sống chung hòa hợp hạnh phúc lại càng khó hơn. Người lớn tuổi thường trái tính trái nết, sự bảo thủ cao, sức khỏe hạn chế... Chính vì vậy mà rất khó để có thể thống nhất hai cái tôi thành một cái ta chung. Người lớn tuổi cũng không có khả năng chịu đựng và hy sinh như người còn trẻ. Nếu tái hôn ở tuổi già mà không tìm thấy niềm vui, sự êm ả và hạnh phúc thì sẽ trở thành bi kịch. Những người lớn tuổi muốn tái hôn cần phải thận trọng cân nhắc và lượng định mọi khó khăn, chuẩn bị tâm ý để ứng phó thì mới mong có được hạnh phúc...”.

Theo các chuyên gia tâm lý người cao tuổi, nếu không thể bảo đảm điều kiện và thời gian chăm sóc, quan tâm đến cha hay mẹ đang cô đơn khi về già thì các con đừng nên quá khắt khe về việc gia đình có thêm thành viên mới. Vì điều này giúp cho người già có thêm sinh lực trong cuộc sống, để mỗi người hiểu nhau, cảm thông cho nhau và xây dựng gia đình đầm ấm hơn. Người già khi cô đơn muốn tái hôn cũng có cái lý của họ, nhưng người trẻ có thái độ phản đối cũng có lý lẽ riêng. Vì thế, các thành viên trong gia đình cần phải dung hòa các mối quan hệ. 

 HÀ VƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top