Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Niềm vinh dự của nữ văn công ở làng biển Bảo Ninh

Thứ Tư 03/06/2020 | 11:40 GMT+7

VHO- Đã gần 55 năm trôi qua nhưng với bà Phạm Thị Kim Oánh (thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình) lần được gặp Bác Hồ và được diễn văn nghệ cho Bác xem là niềm vinh dự, kỷ niệm tự hào nhất. Và bức ảnh mà bà cùng với các thành viên trong đoàn vinh dự chụp chung với Bác Hồ được nữ văn công ở làng biển Bảo Ninh gìn giữ như một báu vật vô giá.

Bà Oánh cùng Đoàn Văn công Quảng Bình vinh dự được chụp ảnh với Bác Hồ (bà Oánh đứng bên tay phải của Bác Hồ)

Một ngày giữa tháng 5, trong ngôi nhà nhỏ bên dòng Nhật Lệ, trò chuyện với chúng tôi, bà Oánh chia sẻ làng biển Bảo Ninh không chỉ hùng mạnh về đội thuyền đánh bắt hải sản xa bờ, mà còn là vùng đất sản sinh, truyền khẩu những điệu hò, vè đặc sắc, sâu lắng, dễ đi vào lòng người. Sinh trưởng trên quê hương giàu truyền thống văn hóa nên bà Oánh sớm yêu thích, bộc lộ năng khiếu về nghệ thuật dân gian. Và như một lẽ tự nhiên, năm 19 tuổi bà được nhận vào Đoàn văn công tổng hợp Quảng Bình. Tham gia đoàn văn công, bà Oánh hát được nhiều làn điệu dân ca, nhưng loại hình mà bà yêu thích và thể hiện thành công nhất vẫn là các làn điệu hò, vè của quê hương. Theo lời bà Oánh, ngày xưa sau chuyến lao động đánh bắt trên biển, trong sinh hoạt văn hóa tinh thần, người dân Bảo Ninh lấy các làn điệu vè để kể cho nhau nghe những tích chuyện về biển, về các loài cá, tôm trên biển, về các nhân vật lịch sử, các nữ anh hùng… Và trong thời gian hoạt động nghệ thuật của mình, bà Oánh có một vinh dự mà không phải ai cũng có, đó là lần được gặp và biểu diễn văn nghệ cho Bác Hồ xem.

Trưa tháng Năm, nhìn ra bờ Nhật Lệ đôi mắt vui đến ngấn lệ khi bà Oánh nhớ lại về cuộc gặp lịch sử ấy, nhớ cặn kẽ đến từng chi tiết. Đó là khoảng thời gian giữa tháng 4 năm 1966, theo điều động của Bộ Văn hóa, Đoàn Văn công Quảng Bình vượt quãng đường xa, dưới làn bom đạn ra công tác ở các tỉnh phía Bắc. Đoàn đã lưu diễn mấy đêm ở Hải Dương, Hải Phòng. Sau đó, đoàn trở về Hà Nội. Theo kế hoạch, tối 1.5.1966, đoàn sẽ biểu diễn mừng ngày Quốc tế Lao động tại Hội trường câu lạc bộ Thống Nhất. Bỗng có lệnh tối đó, đoàn hoãn diễn ở đây để đi diễn nơi khác. “Nơi đâu?”, “Cho ai xem?” Mọi người trong đoàn hỏi nhau nhưng không ai biết để có câu trả lời chính xác. Năm giờ chiều, hai chiếc xe ô tô đến đón đoàn đi, sau đó xe chạy vào Phủ Chủ tịch…

 Bà Phạm Thị Kim Oánh nhớ lại kỷ niệm được biểu diễn văn nghệ cho Bác Hồ xem

Bà Oánh nhớ lại: “Giờ diễn sắp bắt đầu thì bất ngờ Bác Hồ nhẹ nhàng bước vào. Mọi người trong đoàn tưởng như mơ nhưng đang là thực vì Bác Hồ đang hiển hiện trước mắt. Vỡ òa niềm vui bất ngờ, tất thảy đều hô vang “Bác Hồ! Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm! Muôn năm!”, và òa khóc, nước mắt giàn giụa. Bác nhẹ nhàng nói: “Thôi, các cháu khẩn trương lên. Các đại biểu đã đến đủ rồi đấy”. Rồi Bác hỏi: “Trong đoàn có cháu nào có chồng đi chiến trường B không?”. Nghe Bác hỏi, tôi rưng rưng nước mắt rồi bước lên phía trước và cất tiếng: “Dạ thưa Bác, con có chồng đang đi B”. Nghe vậy, Bác đã ân cần động viên tôi cố gắng công tác thật tốt để làm hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm đánh giặc”, bà Oánh kể lại.

Trong buổi biểu diễn đó, ngoài những tiết mục diễn chung với đoàn, bà Oánh có một tiết mục riêng, đó là trình bày bài vè “Mẹ Suốt”. Tiết mục kết thúc, Bác hỏi bà Oánh: “Cháu có biết bài này của ai sáng tác không?”. “Dạ thưa Bác, của chú Tố Hữu ạ”. Nghe vậy, Bác Hồ đã quay sang nói với đồng chí Tố Hữu lên tặng hoa cho bà Oánh. Buổi biểu diễn hôm đó thành công tốt đẹp và đã để lại bao nhiêu kỷ niệm cho toàn đoàn văn công Quảng Bình. Cuối buổi biểu diễn, Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với toàn đoàn, bà Oánh vinh dự được xếp đứng cạnh Bác Hồ.

Kể từ năm 1973, vì hoàn cảnh gia đình và lí do sức khỏe, bà Oánh xin không tham gia nghệ thuật chuyên nghiệp ở đoàn Văn công Quảng Bình để trở về sinh sống ở quê hương. Tuy nhiên, với niềm đam mê những làn điệu vè cổ, nhất là vinh dự được gặp Bác Hồ, nữ văn công ở làng biển Bảo Ninh, bà Phạm Thị Kim Oánh tiếp tục có những đóng góp trong phong trào gìn giữ và phát triển nét văn hóa ở địa phương. Nay đã bước sang tuổi 80, bà Oánh vẫn tích cực tham gia biểu diễn trong các ngày hội làng, lễ, tết và các hoạt động văn hóa do xã, thành phố tổ chức. Bên cạnh đó, bà đã sưu tầm, ghi chép lại các làn điệu vè cổ, biên soạn lại lời vè mới cho hoàn chỉnh, mượt mà hơn. Đồng thời, bà tham gia tập luyện cho các hạt nhân văn nghệ trong thôn, xã để tham gia các hội diễn văn nghệ, từ đó góp phần bảo tồn làn điệu vè cổ này… 

 PHẠM PHÚ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top