Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn (TT- Huế): Có cơ sở để lo lắng...

Thứ Tư 22/04/2020 | 10:32 GMT+7

VHO- Mặc dù cơ quan chuyên môn chỉ mới tiến hành hạ giải công trình để chuẩn bị tiến hành tu bổ di tích cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), nhưng trong những ngày qua dư luận đã tỏ ra lo lắng, sợ di tích bị… “xây mới”.

 Cầu ngói Thanh Toàn trước khi hạ giải

Bởi trước đó không lâu, việc trùng tu cầu ngói thôn Thượng (Nam Định) cũng đã làm biến dạng di tích, gây bức xúc trong cộng đồng.

Tận dụng tối đa cấu kiện gốc

Trong những ngày vừa qua, các đơn vị chuyên môn đã tiến hành hạ giải công trình cầu ngói Thanh Toàn để chuẩn bị cho công tác bảo tồn, tu bổ. Đến ngày hôm qua 21.4, theo quan sát của phóng viên Văn Hóa, hiện phần “thượng gia” đã được hạ giải xong, những cấu kiện gỗ cũng được phân loại và sắp xếp chờ Hội đồng chuyên môn kiểm tra, thẩm định. Riêng phần “hạ kiều” và một số cấu kiện vẫn chưa hạ giải.

Công trình di tích cầu ngói Thanh Toàn là một trong những cầu cổ của Việt Nam với gần 250 năm tuổi được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTTDL) công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1990. Cầu có lối kiến trúc độc đáo “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu), chủ yếu được xây dựng bằng gỗ. Đây là điểm đến tham quan trải nghiệm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế khi đến Huế, do đó việc trùng tu di tích này đã thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng dân cư địa phương và dư luận. Trao đổi với Văn Hóa, ông Võ Ngọc Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Thủy, đơn vị chủ đầu tư dự án thông tin cho biết đến nay việc hạ giải đã gần như cơ bản hoàn thành, riêng phần “hạ kiều” còn có một số cấu kiện khó hạ giải và tốn kém nên phải chờ Hội đồng chuyên môn thẩm định. Nếu cấu kiện nào bị hư hại nghiêm trọng mới tiến hành hạ giải để sửa chữa, thay thế, còn không thì giữ nguyên.

Còn các cấu kiện của phần “gia” đã được hạ giải, sắp xếp và phân loại. Sau khi có ý kiến thẩm định chính thức của Hội đồng chuyên môn, chủ đầu tư và đơn vị thi công sẽ thống nhất việc chuẩn bị thêm các vật liệu cần thiết cho công trình. “Chỉ tính riêng phần kết cấu gỗ, cơ bản sẽ tái sử dụng được khá nhiều với khoảng 70%. Chỉ có thay thế một số dầm ngang, mộng, cột không đảm bảo. Cầu ngói Thanh Toàn là điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng, đặc biệt các dịp Festival Huế nên chúng tôi rất chú ý đến các chi tiết”, ông Thành nhấn mạnh. Tại quyết định số 2491/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về phê duyệt dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn”, cũng đã nêu rõ phải tận dụng tối đa vật liệu gốc khi bảo tồn phần “gia”; đánh giá hiện trạng các cấu kiện gỗ theo quy chuẩn, quy định và nguyên tắc về bảo tồn; phục hồi những cấu kiện không đảm bảo yêu cầu chịu lực, tính thẩm mỹ cho công trình bằng đúng loại gỗ nguyên gốc...

 Phối cảnh cầu ngói Thanh Toàn sau khi trùng tu rất “hiện đại”, khiến dư luận lo ngại

Giám sát 100% tại công trình

Trở lại với vấn đề những ngày qua mà dư luận tại Thừa Thiên Huế lo ngại khi trùng tu di tích cầu ngói Thanh Toàn. Với hình ảnh mẫu thiết kế của công trình được in và chụp lại lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng nếu làm đúng mẫu này thì cầu cổ đã trở nên rất hiện đại, và công tác bảo tồn không khác gì “xây mới” di tích?

Với những thông tin trên, chủ đầu tư dự án lý giải rằng “màu sắc trên tấm pano giới thiệu về công trình (sau khi trùng tu) được thiết kế trên phần mềm 3D nên màu sắc không “trung thực” so với thực tế. Chúng tôi tuân thủ nguyên tắc sử dụng vật liệu, chất liệu như cũ, theo đúng màu sắc nguyên bản trước đây”. Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cũng cho biết, việc lập hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế thi công công trình rất bài bản và tuân thủ các quy định trong việc bảo tồn di sản. Trong đó, dự án đã tham khảo ý kiến của các cơ quan ban ngành liên quan, các nhà khoa học và chuyên môn về bảo tồn di sản văn hóa; lấy ý kiến của chính quyền và nhân dân địa phương. Công tác chuẩn bị từ khi phê duyệt dự án cho đến bắt tay thực hiện phải mất 2 năm.

Việc trùng tu cầu ngói Thanh Toàn lần này được xem là có quy mô nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa kiến trúc độc đáo của quốc gia, phục vụ phát triển du lịch và các hoạt động văn hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương. Với mức kinh phí đầu tư hơn 10 tỉ đồng từ ngân sách, dự kiến dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2020. Để tránh sự “biến dạng” di tích như việc trùng tu xảy ra ở cầu ngói ở Nam Định, ông Võ Ngọc Thành khẳng định rằng, “trong quá trình thi công, chúng tôi cử cán bộ giám sát 100% tại công trình. Công trình này có nét đặc biệt là cao độ của nó không đồng đều, có sự dịch chuyển theo đường cong mà đường cong này không cố định,

nên phải thi công trực tiếp và giám sát trực tiếp tại công trường.

“Trước khi hạ giải, chúng tôi cũng đã tiến hành số hóa toàn bộ công trình và ghi chép cụ thể các cấu kiện tại vị trí trên thực địa. Sau khi hạ giải, chúng tôi mời Hội đồng thẩm định, đánh giá cấu kiện. Nếu cấu kiện nào buộc phải thay thế, chúng tôi sẽ tập kết và đưa về Bảo tàng nông cụ cạnh cầu ngói để trưng bày, thuyết minh đến khách tham quan, làm rõ thông tin cho đợt bảo tồn này”, ông Thành nói.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, công tác chuẩn bị và quy trình thực hiện dự án “Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích cầu ngói Thanh Toàn” được thực hiện bài bản, chặt chẽ, cẩn thận và tuân thủ các quy định trong công tác bảo tồn di sản văn hóa. Sở VHTT thường xuyên theo dõi, làm việc với các đơn vị liên quan từ chủ đầu tư đến đơn vị thi công để đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc của bảo tồn. 

 Đề xuất sử dụng một loại ngói

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thị xã Hương Thủy, công trình cầu ngói Thanh Toàn được trùng tu gần đây nhất là vào năm 1986, và có sửa chữa nhỏ vào năm 1992. Đợt trùng tu 1986, khi chưa được công nhận là di tích cấp quốc gia là do nhân dân địa phương tự làm nên quá trình thi công có xảy ra một số bất cập, khiếm khuyết, chưa đảm bảo được tính chân xác, như: các câu đối đặt lệch vị trí; một số nét chữ bị thiếu; vào đợt sửa chữa năm 1992 thì xảy ra hiện trạng một số vị trí ở mái ngói chưa đồng bộ, không đảm bảo quy định...

“Trước đây, công trình được lợp bằng mái ngói âm dương nhưng sau đó do hư hại nên được lợp lại bằng ngói lưu ly ở một số vị trí. Điều này dẫn đến không đồng bộ, nên chúng tôi đã xin ý kiến của các ngành, tranh thủ đợt tu bổ lần này để “khắc phục” những hạn chế, khiếm khuyết nói trên, trong đó sẽ lấy ý kiến để thống nhất thay thế bằng một loại ngói”, ông Võ Ngọc Thành thông tin.

SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top