Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Tăng tuổi nghỉ hưu, lương hưu người lao động cũng tăng

Thứ Hai 23/12/2019 | 11:33 GMT+7

VHO- Từ năm 2021 sẽ bắt đầu lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động đến 62 tuổi (đối với nam) và 60 tuổi (đối với nữ). Kéo theo đó là lương hưu của người lao động sẽ tăng theo vì được hưởng theo bình quân tiền đóng BHXH.

Tăng tuổi nghỉ hưu là cơ hội để nâng mức hưởng lương hưu của người lao động

Văn phòng Chủ tịch nước vừa tổ chức buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 11 Luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8, trong đó có Bộ luật Lao động. Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, với 17 chương, 220 điều, Bộ luật Lao động đã có nhiều sửa đổi, bổ sung lớn, quan trọng, cùng với đó sẽ có khoảng 14 nghị định, một quyết định của Thủ tướng Chính phủ và bảy thông tư của Bộ LĐ,TB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật.

Một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn trong Bộ luật Lao động như mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với người lao động có quan hệ lao động (khoảng 20 triệu người) và không có quan hệ lao động (khoảng 55 triệu người). Bộ luật cũng thể chế hóa Nghị quyết TƯ số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình dài. Cụ thể: tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 (vào năm 2028) và nữ ở tuổi 60 (vào năm 2035) theo lộ trình mỗi năm tăng 4 tháng đối với nữ và mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam kể từ năm 2021.

Bộ luật cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, được áp dụng đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá năm tuổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, được áp dụng đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt. “Bộ LĐ,TB&XH sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Liên quan đến việc tăng tuổi nghỉ hưu, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định: Tăng tuổi nghỉ hưu tức là tăng thêm thời gian đóng BHXH, và quyền lợi của người lao động sẽ được hưởng cao hơn do phần tích lũy lương hưu cao hơn.

Theo Luật BHXH, để hưởng mức lương hưu tối đa là 75% trung bình mức đóng BHXH thì lao động nữ phải đủ 30 năm, nam phải đủ 35 năm; ngoài ra, mỗi năm vượt quá thời gian này, người lao động được hưởng 0,5 tháng lương cơ sở tại thời điểm về hưu. Chẳng hạn, một lao động nữ đang ở tuổi 46, đã đóng BHXH 25 năm, và 58 tuổi mới đủ tuổi nghỉ hưu. Như vậy lao động này phải làm việc thêm 12 năm nữa (mới đủ 58 tuổi), lúc này thời gian đóng BHXH là 37 năm. Thời gian vượt quá số năm phải đóng BHXH là 7 năm, mà mỗi năm vượt quá thì được thêm 0,5 tháng lương cơ sở, do đó, ngoài mức hưởng lương hưu tối đa 75%, người lao động còn được thêm 3,5 tháng lương cơ sở.

Không chỉ như vậy, do thời gian làm việc tăng nên lương của người lao động cũng sẽ tăng lên theo hệ số. Với người tham gia BHXH trước năm 2015, lương hưu được tính bằng trung bình của 5 năm, 8 năm, 10 năm cuối... nghĩa là mức lương khi về hưu sẽ cao hơn.

Một số ý kiến cho rằng, để hưởng mức lương hưu tối thiểu 45% trung bình đóng BHXH, lao động nữ phải đóng đủ 15 năm, lao động nam phải đóng đủ 20 năm, như vậy là quá lâu, không thu hút được người lao động tham gia. Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, hiện nay Chính phủ đang tính toán để trình Quốc hội thực hiện đúng lộ trình giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm hoặc 10 năm theo tinh thần của Nghị quyết 28. Bên cạnh đó, Luật BHXH đang cho phép hưởng chế độ BHXH một lần nếu không đủ thời gian đóng BHXH, điều này rất có lợi cho người lao động vì họ không chỉ được hưởng 8% số tiền của bản thân đóng mà được hưởng cả 14% phần đóng của chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, điều này là chưa công bằng vì nhiều người lao động lợi dụng chính sách này chỉ đóng BHXH bắt buộc một năm, sau đó lĩnh BHXH một lần để được hưởng cả phần đóng 14% của chủ sử dụng lao động.

“Chính phủ đang nghiên cứu để có giải pháp hạn chế người hưởng BHXH một lần để bảo hộ cho người lao động khi hết tuổi về hưu có thu nhập đảm bảo cuộc sống, không nên hưởng một lần để có thu nhập trước mắt mà hoàn toàn không có thu nhập khi tuổi già. Quan điểm của nhà nước là lo cho người lao động trong hiện tại, nhưng cũng phải chăm lo cho cuộc sống trong tương lai (khi về già). Nghị quyết 28 Trung ương đã khẳng định có lộ trình để giảm thời gian đóng 20 năm xuống 15 năm hoặc có thể xuống 10 năm để tạo cơ hội cho những người cao tuổi có thể tham gia hệ thống BHXH”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ.

 QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top