Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Khuyến nghị không đốt vàng mã, đồ mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội: Những ngôi chùa không vàng mã

Thứ Hai 23/09/2019 | 10:56 GMT+7

VHO- Một thực tế không thể phủ nhận, với việc đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến nghị không đốt đồ mã, vàng mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội, thời gian qua, thực trạng không sử dụng hoặc sử dụng với số lượng ít vàng mã tại các ngôi chùa, đình, đền, cơ sở thờ tự ngày càng rõ nét.

 Chùa Liên Hoa hơn 20 năm không đốt vàng mã

Thậm chí, ở nhiều nơi đã có nội quy không sử dụng vàng mã mà dùng tiền mua vàng mã để làm từ thiện, tổ chức các hoạt động xã hội, đóng góp cho cộng đồng.

Các phật tử khi vào chùa cúng vong linh, xin miễn đốt giấy tiền, vàng mã

Nổi tiếng hơn 20 năm nay về việc không đốt vàng mã, chùa Liên Hoa được biết đến là một trong số ít cơ sở thờ tự đã thành công trong việc vận động phật tử, người dân sử dụng số tiền mua vàng mã để giúp người nghèo. Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì nhà chùa luôn nói rằng nếu dùng tiền mua vàng mã để làm từ thiện sẽ ý nghĩa hơn. Thực hiện điều này, nhiều năm qua, hàng ngàn phật tử và người dân đến chùa chỉ thắp nhang và gửi tiền làm từ thiện.

Chùa Liên Hoa được thành lập từ năm 1970. Ban đầu, các phật tử đến chùa đều thắp nhang, đốt vàng mã như ở bao ngôi chùa khác. Năm 1997, trong một chuyến đi từ thiện ở vùng bị thiên tai lũ lụt, chứng kiến cảnh sách vở của học sinh bị ố vàng hơn cả những tờ vàng mã mà mọi người vẫn đem đến chùa để đốt, Thượng tọa Thích Duy Trấn đã trăn trở về việc làm cách nào để giúp được học sinh nghèo nơi đây. Bắt đầu từ ngày 30.6.1998, Chùa Liên Hoa chính thức thông báo: “Các phật tử khi vào chùa cúng vong linh, xin miễn đốt giấy tiền, vàng mã, để lấy số tiền chuẩn bị đốt chuyển thành tiền thật, cứu giúp bà con nghèo và học sinh vùng sâu, vùng xa”. Lò hoá vàng tại chùa cũng được dỡ bỏ.

Theo Thượng tọa Thích Duy Trấn, lúc đầu, việc vận động không đốt vàng mã không phải ai cũng đồng thuận. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì vận động, thuyết phục người tới lễ chùa. Ngay trong năm 1998, chùa Liên Hoa đã thực hiện chuyến đi thiện nguyện đầu tiên bằng số tiền từ việc không đốt vàng mã. Đến nay, đã hơn 20 năm, chùa Liên Hoa không có vàng mã, thay vào đó, ngôi chùa đã trở thành địa chỉ ấm áp với những tấm lòng sẻ chia, thiện nguyện.

Một ngôi chùa khác ở miền Bắc nhiều năm qua cũng được biết đến là nơi không đặt hòm công đức, không đốt vàng mã. Đó là chùa Tiêu, xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi chùa yêu cầu các phật tử và người đi lễ không đốt vàng mã, không đặt tiền lễ và không dâng cúng rượu thịt. Trụ trì nhà chùa cho rằng, việc đốt vàng mã không mang ý nghĩa gì, vì vậy không nên đốt và đặc biệt, việc đốt quá nhiều vàng mã với suy nghĩ “trần sao âm vậy” là điều cần phải thay đổi.

Cũng là một ngôi chùa hiếm gặp với việc duy trì không đốt vàng mã trong suốt 10 năm qua, chùa Cự Linh ở xã Tân Hưng (TP Hải Dương) đã thường xuyên tuyên truyền cho các phật tử về việc không đốt vàng mã và chuyển sang làm những điều có ích cho cộng đồng. Nội quy không đốt vàng mã được chùa Cự Linh duy trì từ năm 2010. Chia sẻ về việc vận động phật tử không đốt vàng mã, sư thầy Thích Tuệ Hải, trụ trì nhà chùa cho rằng, nhiều phật tử đã lầm tưởng việc đốt vàng mã là điều Phật dạy. Nghĩ rằng phải làm một việc gì đó để phật tử và nhân dân dần thay đổi nhận thức đã khiến trụ trì nhà chùa quyết tâm vận động người dân và phật tử, cho dù ngay từ đầu việc này đã được xác định không dễ dàng. Sư thầy đã vận động người đi lễ chùa thay vì mua vàng mã thì hãy dùng tiền đó làm những việc có ích cho cộng đồng.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền về việc hạn chế đốt vàng mã

Tạo sức lan tỏa

Mưa dầm thấm lâu, đến nay, thói quen không sử dụng vàng mã đã luôn thường trực ở các phật tử và nhân dân khi đến hành lễ tại các cơ sở thờ tự như chùa Liên Hoa, chùa Tiêu, chùa Cự Linh. Một phật tử lâu năm tại chùa Cự Linh chia sẻ, nhiều năm trước gia đình bà đốt rất nhiều vàng mã, đặc biệt vào dịp lễ Tết, rằm tháng Bảy. Từ ngày theo khóa tu ở chùa Cự Linh, gia đình bà đã dần dần từ bỏ, đến nay đã ngừng hẳn việc đốt vàng mã. Thay vào đó, trong gần 10 năm qua, gia đình bà cùng nhiều phật tử khác đã dành tiền mua vàng mã để đóng góp cho các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn…

Không chỉ hạn chế đốt vàng mã tại các chùa, sức lan tỏa từ nhận thức đến hành động từ cơ sở tín ngưỡng này đã tác động đến nhiều gia đình sinh sống cùng địa bàn. Không ít gia đình trong xã dù không tham gia khóa tu tại chùa nhưng đã dần hạn chế, hoặc dừng hẳn việc đốt vàng mã. Đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của việc vận động phật tử, nhân dân không đốt vàng mã của chùa Cự Linh, Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương cho rằng việc làm này cần được nhân rộng. Giáo hội sẽ kêu gọi các nhà chùa tổ chức khóa tu, thuyết giảng để phật tử và nhân dân hạn chế hoặc dừng hẳn việc đốt vàng mã.

Trên thực tế, việc tuyên truyền để mọi người từ bỏ một thói quen hoàn toàn không đơn giản. Nhưng thực tế cũng chứng minh, sự kiên trì vận động sẽ mang đến nhiều chuyển biến rõ rệt. Không ít phật tử ở chùa Liên Hoa đến nay đã bày tỏ sự đồng tình tuyệt đối với việc làm của Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì nhà chùa. Nhiều người không chỉ từ bỏ đốt mã tại chùa mà ngay ở gia đình, việc đốt vàng mã cũng được từ bỏ. Sau hơn 20 năm thực hiện, cánh cửa nhà chùa ngày càng rộng mở, lượng phật tử và nhân dân tìm đến ngôi chùa ngày càng đông hơn.

Nhiều giải pháp tuyên truyền cũng ngày càng được đẩy mạnh, mang đến hiệu quả tích cực trong việc khuyến nghị không đốt đồ mã, vàng mã trong các cơ sở thờ tự, di tích và lễ hội. Sau công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ mùa lễ hội năm 2018 và trước mùa lễ Vu lan năm 2019, công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức trong nhân dân ngày càng nhận được hiệu ứng tích cực. Theo Thượng tọa Thích Duy Trấn, cứ kiên trì ắt sẽ thành công. Nếu các chùa ở 63 tỉnh, thành trong cả nước đều thực hiện được điều này thì sẽ mang đến nhiều điều tốt đẹp cho cộng đồng, từ đó tiếp tục tạo sức lan tỏa đối với các cơ sở thờ tự, di tích khác.

 Tuyên truyền cần được thực hiện đúng chỗ, đúng đối tượng

Tại buổi tọa đàm “Nói không với hành vi đốt, rải vàng mã” trong việc tang, lễ hội do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) Dương Hoàng Lộc nhận định, chủ trương kêu gọi người dân không rải, đốt vàng mã là một kiến nghị nhân văn, vì xã hội và cộng đồng. Theo ông Lộc, công tác dân vận và tuyên truyền được thực hiện khéo léo, đúng chỗ và đúng đối tượng thì sẽ “thấm” và được xã hội đón nhận. Việc đốt vàng mã thuộc về vấn đề văn hóa, tập tục truyền thống lâu đời, vì thế việc vận động người đứng đầu các cơ sở, tổ chức tôn giáo cùng tham gia tuyên truyền người dân thì sẽ có tính khả thi, dễ đi vào cuộc sống.

P.V

Hà Nội: Tuyên truyền không đốt nhiều vàng mã trong di tích, lễ hội

Việc hạn chế đốt nhiều vàng mã tại các chùa, cơ sở thờ tự và điểm di tích đã được ngành văn hóa Hà Nội triển khai mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Trong các văn bản quản lý nhà nước về lễ hội, di sản, Sở VHTT Hà Nội luôn đặc biệt lưu ý các địa phương, các ban quản lý, trụ trì các cơ sở thờ tự, di tích hạn chế việc đốt nhiều vàng mã, đồ mã. Đặc biệt, sau các văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động không đốt vàng mã thì tại nhiều ngôi chùa, di tích và các lễ hội lớn trên địa bàn thành phố, việc hạn chế đốt nhiều vàng mã đã chuyển biến rõ rệt. Nhiều nơi trước đây các lò hóa vàng luôn luôn đỏ lửa thì nay tình trạng này đã giảm hẳn. P.V

 

 HÀ PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top