Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Chương trình nghệ thuật "Đi cùng năm tháng”: Biến những điều không thể thành... hấp dẫn

Thứ Sáu 26/07/2019 | 10:41 GMT+7

VHO- Có thể khẳng định cho đến chương trình Đi cùng năm tháng lần thứ 2, các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã thực sự tạo dựng một thương hiệu nghệ thuật rất riêng qua cách khai thác chủ đề, cách dàn dựng và thể hiện. Khó có thể tin rằng với ngôn ngữ nghệ thuật thường chỉ dành cho đối tượng khán giả thiếu nhi thì nay đã có những vị khán giả lớn tuổi, thậm chí ở độ tuổi thất thập cổ lai hy lại bị xiếc cuốn hút đến thế.

 Xúc động với hình tượng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc trên sân khấu xiếc Ảnh: THANH TÙNG

Với chủ đề Ký ức Trường Sơn, Đi cùng năm tháng lần thứ 2 của Liên đoàn Xiếc VN đã mang tới cho khán giả những cảm xúc tuyệt vời khi chiêm ngưỡng sự thăng hoa của nghệ thuật xiếc.

Xúc động với hình tượng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc

Với chủ đề của chương trình năm nay là Ký ức Trường Sơn nhằm kỷ niệm 60 năm đường Trường Sơn huyền thoại, với những hình tượng về bộ đội Trường Sơn, các cô gái xung phong được thể hiện trên sân khấu xiếc với nhiều cảm xúc. Những ai có mặt trong chương trình không khỏi xúc động khi xem hoạt cảnh Cúc ơi, điểm nhấn trong chương trình. 10 nữ nghệ sĩ xiếc hóa thân vào các nữ thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc đã thực hiện các động tác của ngôn ngữ xiếc như nhào lộn, uốn dẻo, thăng bằng đi dây, đu dây, sức mạnh đôi tay...

Trên nhạc nền của ca khúc Cúc ơi những khoảnh khắc không thể quên trong chiến tranh được tái hiện đầy ấn tượng khi các cô gái mặc trang phục bộ đội và đặc biệt là Cúc với bộ quần áo trắng hòa mình cùng các đồng đội bay lên trên những dải lụa rực đỏ như máu của tuổi thanh xuân mà các cô đã đổ xuống vì Tổ quốc. Cặp nghệ sĩ nam nữ trong hình tượng người mẹ và người con trai đi bộ đội ở tiết mục dây da đôi Huyền thoại mẹ cũng đã tạo ấn tượng mạnh về tình yêu thương vô bờ của người mẹ.

Lớp khán giả lớn tuổi bị cuốn vào những tiết mục đầy lắng đọng như Cúc ơi, Huyền thoại mẹ với những cảm xúc thiêng liêng thì các khán giả nhí lại vô cùng hào hứng cuốn theo sự vui nhộn, dí dỏm của các tiết mục xiếc như: Chiếc gậy Trường Sơn (Thăng bằng trên thang và dây thép chùng), Lê Anh Nuôi lồng ghép được thể loại trò khéo của xiếc như tung hứng, thăng bằng trên con lăn...

Xiếc thú nuôi: Hấp dẫn và nhân văn

Sự góp mặt của các tiết mục xiếc thú như xiếc lợn, xiếc khỉ, xiếc trăn… trong chương trình vừa khoe được những ưu thế của xiếc thú, đồng thời các con thú cũng trở thành những nhân vật đặc biệt trong chương trình lần này. Thật kinh ngạc khi xem tiết mục Lê Anh Nuôi có sự tham gia của 4 chú lợn đi theo đội hình răm rắp dưới sự dạy dỗ của các chiến sĩ hậu cần, thực hiện những động tác như nhảy qua vòng trải, cuốn thảm, nhảy qua vòng lửa, nối đuôi nhau đi qua cầu… tạo nên những màn diễn hài hước, vui nhộn... “Chúng tôi phải tìm hiểu và khai thác tìm hiểu con thú nuôi rất kỹ lưỡng. Làm thế nào để khai thác được những động tác và bản năng của con thú là vô cùng quan trọng. Khi điều khiển huấn luyện các con thú chúng tôi phải đối xử với con thú rất bình đẳng như một người bạn diễn cùng”, NSƯT Tống Toàn Thắng chia sẻ. Không nói ra nhưng chỉ cần nhìn các chú lợn làm những động tác xiếc đã đủ thấy sự kì công biến những điều không thể thành có thể của nghệ sĩ xiếc ra sao. Hơn thế con thú lại trở thành một nhân vật, một thành tố trong toàn bộ câu chuyện.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc VN chia sẻ: “Liên đoàn Xiếc tổ chức chương trình này là để tri ân các anh hùng liệt sĩ, gia đình những người có công với cách mạng và cũng là để hướng thế hệ trẻ hôm nay, trong đó có cả nghệ sĩ trẻ xiếc về truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất của cha anh. Đây cũng là dịp để các nhà hảo tâm, các nhà doanh nghiệp, trực tiếp trao tặng các phần quà tới tận tay các cựu chiến binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các thương bệnh binh, các nạn nhân chất độc da cam… tại chương trình. Chương trình sẽ được tổ chức thường niên hằng năm, tôi tin rằng khi các đại biểu và khán giả đã đến xem thì chắc chắn họ sẽ bị thu hút ở những lần tiếp theo”.

Đan xen với các tiết mục xiếc là các tiết mục biểu diễn các ca khúc cách mạng nổi tiếng do các nghệ sĩ không chuyên từ Hội Cựu chiến binh quận Hai Bà Trưng, Bộ Tư lệnh đặc công, CLB doanh nhân, CLB nghệ thuật Sen Hồng... Sự đồng hành của các tổ chức xã hội, đặc biệt là các cựu chiến binh càng làm nổi bật ý nghĩa xã hội của chương trình lần này. Bà Nguyễn Phương Anh, 63 tuổi thuộc CLB nghệ thuật Sen Hồng chia sẻ: “Chúng tôi vô cùng xúc động khi được tham gia chương trình Đi cùng năm tháng cùng các nghệ sĩ xiếc. Xiếc đã làm được những điều thật phi thường như lồng ghép một chủ đề về cách mạng vào một chương trình. Con cháu tôi khi biết tin có chương trình này thì chúng cứ nghĩ là xiếc vốn dĩ cho trẻ con mà lại dựng đề tài cách mạng thì sẽ chắc chắn vô cùng tẻ nhạt. Vậy mà các cháu khi tới xem chương trình chúng đã vô cùng thích thú”. 

 HIỀN LƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top