Quảng Nam: Triệt phá một vụ bán sâm giả tại "thủ phủ" sâm Ngọc Linh

VHO- Một vụ rao bán sản phẩm sâm giả Ngọc Linh với trọng lượng 13,2kg củ và 6,1kg thân lá vừa được Công an huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) triệt phá. Từ đó hé lộ hiện tượng “tuồn” sâm giả Ngọc Linh lên ngay "thủ phủ" vùng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam để rao bán.

Ngày 13.12, Công an huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, đơn vị đang hoàn tất hồ sơ xử lý một vụ rao bán sâm giả Ngọc Linh.

sâm giả

Tang vật được Tổ công tác Công an huyện Nam Trà My thu được-Ảnh: CA

Theo thông tin ban đầu, trước đó, vào khoảng cuối tháng 10.2018, nhận được tin báo của người dân thôn 2 (xã Trà Mai) phản ánh về việc có một phụ nữ rao bán sâm nghi giả mạo sâm Ngọc Linh, Công an huyện Nam Trà My đã tiến hành kiểm tra đối tượng cùng tang vật để xác minh làm rõ.

Tại cơ quan điều tra, người phụ nữ này khai tên là Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1981, trú thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My).

Trước khi bị người dân phát hiện, Lan Anh mua 134 củ sâm có trọng lượng 13,2kg, 6,1kg thân lá của một người ở tỉnh Kon Tum về địa phương rao bán qua mạng xã hội (Zalo, Facebook) và nói với mọi người đó là sâm Ngọc Linh. Đối tượng Anh liên lạc chào bán trực tiếp cho các hộ kinh doanh sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My với giá phải chăng.

Chị Nguyễn Thị H. (thôn 2, xã Trà Mai), một người định mua sâm khi thấy thông tin rao bán sâm Ngọc Linh của L.Anh đăng trên mạng xã hội Qua trao đổi chị H. đồng ý  mua 5kg loại 10 củ/kg với giá 113 triệu đồng cùng 3kg sâm loại 20 củ/kg với giá 73 triệu đồng. Hai bên thống nhất nếu kiểm tra đúng là sâm Ngọc Linh thì mới mua và giao tiền. Tuy nhiên, khi gặp mặt để xem hàng trực tiếp nên thì chị H. phát hiện số sâm trên không phải sâm Ngọc Linh nên đã trình báo cơ quan chức năng.

sâm qua kiểm định

Sâm bán tại phiên chợ phải qua Tổ kiểm định sâm Ngọc Linh, sâm có nguồn gốc, xuất xứ mới được vào bán

Qua giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), loại sâm mà Anh “tuồn” lên vùng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam rao bán là loại sâm có tên khoa học là Panax vietnamensis var.fuscidiscuc. Đây là một đơn vị phân loại của sâm Lai Châu.

Vụ việc đang tiếp tục được Công an huyện Nam Trà My hoàn tất hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, tại huyện Nam Trà My, từ ngày 1-3 hàng tháng diễn ra phiên chợ Sâm Ngọc Linh do người dân tự tổ chức, huyện hỗ trợ về mặt bằng, địa điểm và an ninh. Nếu người dân muốn đăng ký bán sâm ở phiên chợ thì qua phải Tổ kiểm định sâm Ngọc Linh, sâm có nguồn gốc, xuất xứ mới được vào bán. Nếu người dân vào phiên chợ mà mua trúng sâm Ngọc Linh giả sẽ được UBND huyện bồi thường lại tiền.

Hiện trên địa bàn huyện Nam Trà My có hơn 1.000 hộ trồng với 2.000ha sâm Ngọc Linh.

Ngày 16.8.2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lý (CDĐL) số 00049 đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh của 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Khu vực được bảo hộ CDĐL gồm hai xã Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) và xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam). CDĐL góp phần bảo hộ thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ, tạo điều kiện đưa sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của Việt Nam. 

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc